Dạy và học

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Dạy toán cho trẻ em như thế nào?



Sputnik_STEM1
(Ảnh: các “nhà khoa học nhi” đang nhảy nhót, vui chơi và đi tìm công chúa cùng với Sputnik tại Ngày hội STEM, Hà Nội 17/05/2015)
Sputnik_STEM3
Trẻ em yêu thích cái gì, tò mò muốn biết cái gì, thì sẽ học cái đó rất nhanh. Muốn cho một bé học giỏi toán, thì điểm quan trọng đầu tiên là phải làm cho bé yêu toán. Chúng ta không thể bắt ép ai đó yêu toán, mà chỉ có thể gợi mở và khuyến khích. Ngày hội STEM là một trong những dịp rất tốt để tạo ra sự gợi mở và khuyến khích đó.
Hiện tại phần lớn trẻ em ở Việt Nam chỉ được học toán qua sách giáo khoa lý thuyết và bài tập, chứ không biết đến các thể loại sách khác về toán rất cần thiết cho việc bổ sung kiến thức và gợi mở tình yêu toán học. Chúng ta cần tăng cường cho trẻ em tiếp xúc với các sách hay thuộc các thể loại khác, ví dụ như: sách truyện có nội dung toán học (đọc về toán mà ly kỳ hấp dẫn như truyện cổ tích), sách về toán học trong cuộc sống và trong tự nhiên (để trẻ em thấy các khái niệm toán học sinh động và hữu ích ra sao), sách về các trò chơi toán học (còn gì hay hơn là chơi vui mà lại là học hiệu quả),  sách về lịch sử toán học (biết về lịch sử giúp chúng ta hiểu rõ hơn mọi thứ), đố vui giải trí toán học (đố vui cũng là một cách luyện não hiệu quả), v.v. Những sách như thế ở Việt Nam cũng đã có, nhưng còn tương đối hiếm. Những sách hay, dễ đọc mà rơi vào tay tay trẻ em thì chẳng cần thúc ép nài nỉ trẻ em cũng sẽ say sưa đọc, và từ đó mà yêu toán, giỏi toán.
Gần đây tôi cùng với một số nhà khoa học và giáo dục như GS Hà Huy Khoái, GS Đỗ Đức Thái, TS Trần Nam Dũng, và một số đồng nghiệp và bạn bè khác có lập ra dự án “Tủ sách Sputnik” để đem đến thêm nhiều sách hay và đa dạng về toán cho trẻ em. Trong Tủ sách Sputnik hiện đã có những quyển sách nổi tiếng toàn thế giới (bán hàng triệu bản), ví dụ như quyển “Những cuộc phiêu lưu của người thích đếm” của Malba Tahan và quyển “Ba ngày ở nước Tí Hon” của Levshin (bản dịch mới). Đây là những quyển sách mà thực sự trẻ em nào đọc cũng thấy hay. Sắp tới Tủ sách Sputnik  còn có thêm nhiều sách rất thú vị và nổi tiếng khác, ví dụ như “Bí mật, dối trá và đại số” của Lichtman và “Người Mặt Nạ Đen từ nước Al-Jabr” của Levshin (bản dịch mới). Bản thân tôi khi còn bé được đọc cuốn “Người Mặt Nạ Đen …” (bản dịch cũ) và một phần chính nhờ quyển sách đó mà đam mê học toán.
Rào cản tâm lý là trở ngại lớn nhất đối với trẻ em (và cả người lớn) trong việc học toán (cũng như học các thứ khác). Nếu đứa trẻ chán nản hoặc sợ hãi với môn toán, thấy khổ sở khi học toán, thì tất nhiên học sẽ khó vào. Khi trẻ mắc phải những tâm lý tiêu cực đó, thì không phải là do “nó dốt, nó hư”, mà là do hoàn cảnh tạo ra như vậy, và một phần lớn lỗi trong chuyện này thuộc về người lớn (thầy cô giáo hoặc cha mẹ). Một số lý do phổ biến khiến cho trẻ trở nên sợ toán, chán toán là:
- Trẻ bị chế diễu, sỉ nhục (“sao mày ngu thế, sao điểm mày thấp thế”), hay thậm chí đánh đập khi không làm được bài.
- Giáo viên dạy chán và sách cũng chán, quá giáo điều, hình thức, khô khan, giải thích các thứ không rõ ràng, và cũng không nối kết được toán học với các thứ khác, khiến cho toán học trở nên khó hiểu và vô nghĩa, chẳng biết học để làm gì.
- Trẻ bị ép học quá nhiều đến mức mụ mẫm, thiếu ngủ và thiếu các hoạt động giải trí để có thể phát triển cân bằng.
Cần giải tỏa cho trẻ em về tâm lý, xóa bỏ được nỗi sợ toán, nỗi ghét toán, nỗi sợ bị điểm kém, chuyển được giờ học toán từ “địa ngục” sang thành “sự sung sướng” thì học sẽ nhanh vào. Chẳng hạn, chúng ta không nên sỉ nhục trẻ khi nó bị điểm kém, mà ngược lại nên tỏ ra độ lượng, làm cho nó hiểu rằng ai cũng có thể có lúc bị điểm kém, điều đó không phải là bi kịch.
Chúng ta không nên ép trẻ học quá nhiều (bắt đi học thêm quá nhiều, giao quá nhiều bài tập bắt buộc về nhà, v.v.), và đặc biệt không nên làm gì ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành trí nhớ dài hạn, kết nối các kiến thức đã có lại với nhau, làm cho con người thông minh lên. Ngoài thời gian ngủ, trẻ con cần có thời gian chơi, thời gian tự học và tự đọc sách, học một cách “thòm thèm” chứ không học kiểu  nhồi nhét.
Chương trình môn toán ở Việt Nam hiện nay còn nhiều điểm bất cập.  Một ví dụ: số hữu tỷ là những số kiểu như 1/2 hay 5/3, tức là thương của hai số nguyên. Định nghĩa như vậy đúng bản chất và dễ hiểu, như là chia cái bánh ra làm đôi mỗi người được 1/2 vậy. Nhưng trong một sách giáo khoa đại số cho trẻ em gần đây lại định nghĩa số hữu tỷ là một số biểu diễn được dưới dạng số thập phân vô hoàn tuần hoàn! Tuy về mặt hình thức toán học thì định nghĩa như vậy không sai, nhưng nó vô cùng rắm rối khó hiểu (khái niệm số thập phân với vô hạn chữ số sau dấu phẩy là khái niệm không đơn giản, liên quan đến phép lấy giới hạn trong giải tích toán học), không thể hiện bản chất của số hữu tỷ, và cũng không tuân theo lịch sử phát triển tự nhiên của toán học. Thay vì lấy nó làm định nghĩa, cần lấy nó làm tính chất (mà có thể giải thích một cách trực giác, nhưng chưa thể chứng minh chặt chẽ cho học sinh nhỏ tuổi). Một ví dụ khác: trong một cuộc thăm dò ý kiến gần đây, hầu hết những người trả lời nói rằng khái niệm tích phân (có trong chương trình phổ thông) chẳng dùng làm gì cả. Tích phân “vô dụng” như vậy thì đưa nó vào chương trình phổ thông làm cái gì?! Thực ra thì phép tính tích phân là một trong những công cụ đa năng nhất của toán học, không hề vô dụng tý nào, chỉ có điều cách dạy hiện tại (thiên về mẹo mực tính toán tích phân, trong khi đó lại lờ đi bản chất và ý nghĩa của tích phân) khiến cho người học cảm thấy vô dụng vì chẳng liên hệ được nó với cái gì.
Còn nhiều ví dụ khác tương tự như trên. Chúng cho thấy chương trình dạy toán cần được cải tiến theo hướng: dễ hiểu hơn (không có nghĩa là nhảm nhí hóa, bỏ bớt nhiều khái niệm quan trọng ra khỏi chương trình, mà là giải thích các khái niệm một cách dễ hiểu hơn), tự nhiên hơn (không có khái niệm toán học quan trọng nào là “từ trên trời rơi xuống”, nhưng có những sách trình bầy các khái niệm cứ như từ trên trời rơi xuống), sinh động hơn, gắn liền với thực tế và với các môn học khác hơn, v.v. Việc kết hợp toán (M) với STE thành STEM là một xu hướng giáo dục tốt, khiến cho toán trở nên sinh động và có nghĩa.
Einstein có nói đại ý: “Nếu bạn không thể giải thích được một khái niệm gì đó cho đứa trẻ 6 tuổi hiểu được, thì có nghĩa là bạn chưa hiểu vững khái niệm đó”. Mọi ý tưởng quan trọng trong toán học thực ra đều rất trong sáng, và không đến mức khó như mọi người sợ. Giải thích chúng một cách trong sáng đúng bản chất (thay vì hình thức và giáo điều) thì trẻ em cũng hiểu được nhiều khái niệm của toán học hiện đại.
Lấy ví dụ khái niệm nhóm. Sách toán (đại học) ở Việt Nam đưa ra khái niệm nhóm một cách  hình thức, và ví dụ minh họa cũng “từ trên trời rơi xuống” (một bảng phép nhân của các phần tử, rồi kiểm tra chúng thỏa mãn các tiên đề của nhóm, nhưng chẳng biết ví dụ từ đâu ra, chẳng thấy liên quan tới cái gì hết). Khi tôi hỏi chuyện các sinh viên đã học môn này, họ thú thực cũng chẳng hiểu gì về nhóm. Thế mà có “cây đa cây đề”  lại muốn ôm cái định nghĩa trừu tượng, hình thức đó về nhóm đi dạy cho trẻ em. Tất nhiên trẻ em sẽ chẳng thể nào hiểu được bản chất “nhóm” là gì, tuy  mang tiếng “được học toán hiện đại”.
Einstein có nói “dạy học qua các ví dụ không phải là một phương pháp để dạy, mà là phương pháp duy nhất để dạy”. Còn  nói theo nhà toán học V.I. Arnold thì “một định nghĩa tốt là 5 ví dụ tốt”. Ví dụ như tập các phép quay cái rubik tạo thành một nhóm,  hay tập các phép đối xứng của hình tam giác đều cũng là một nhóm, v.v. Một nhóm (theo nghĩa toán học) chẳng qua là một tập các phép biến đổi (đối xứng) của một cái gì đó (và có thể kết hợp các phép biến đổi với nhau hoặc đảo nghịch lại một phép biến đổi). Giải thích qua các ví dụ như thế thì trẻ em cũng có thể hiểu đúng bản chất nhóm là gì.
Ông V.I. Arnold là một trong những nhà toán học lớn nhất thế giới của thế kỷ 20, và đồng thời cũng là người viết nhiều sách phổ biến toán học rất hay, rất trực giác và gần gũi với thế giới tự nhiên. Ông cũng là người lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất chuyện dạy toán theo kiểu hình thức, quá trừu tượng, quá xa vời cuộc sống cho học sinh. Một trong những quyển sách cuối cùng mà Arnold viết (cho học sinh phổ thông) là quyển “Hiểu thế giới bằng toán học” (Mathematical understanding of nature) với nhiều ví dụ rất hay, từ giọt nước cho đến cầu vồng cho đến động cơ máy bay phản lực, v.v. Những sách như vậy cần được phổ biến đến học sinh ở Việt Nam. (Tủ sách Sputnik cũng đang dịch quyển sách này của Arnold).
Có rất nhiều người (kể cả các nhà chính trị, nhà quản lý) lầm tưởng rằng thời đại máy tính thì không cần học toán nữa vì “đã có máy tính tính cho rồi”. Với lý do đó, họ đòi cắt xén (thậm chí đến một nửa) số giờ dạy toán ở phổng thông. Nhưng máy tính không “hiểu” gì về toán, Con người ta vẫn cần phải hiểu toán (và do đó cần phải học toán), thì mới giao được đúng đầu bài cho máy tính và hiểu được đúng ý nghĩa của các lời giải nhận được.  Nếu không có hiểu biết về toán học, thì khi máy tình càng “thông minh lên” con người lại có nguy cơ “ngu đần đi”, trở thành một thứ nô lệ mới. Học toán không đơn thuần là học làm tính, mà còn là học cách suy luận, suy nghĩ lô gích, chiến lược, mô hình hóa các vấn đề, phân biệt phải trái, v.v.
Con người sinh ra bình đẳng với nhau, nhưng không giống nhau về năng khiếu bẩm sinh và môi trường phát triển. Khả năng về toán học của các trẻ em khác nhau vì vậy cũng khác nhau. Vì vậy không thể có một chương trình chung nào thích hợp với toàn bộ trẻ em cùng lứa tuổi. Một chương trình chung có thể thích hợp với đa số các trẻ em, nhưng bên cạnh đó cần các chương trình đặc biệt dành cho các trẻ em có năng khiếu đặc biệt hoặc ngược lại có những khó khăn đặc biệt khi tiếp cận môn toán (hay những môn học khác). Nếu trẻ em có năng khiếu đặc biệt về toán mà cứ phải học theo cùng tốc độ với các trẻ em có học lực trung bình thì ắt sẽ dẫn đến sự buồn chán và nguy cơ thui chột năng khiếu bẩm sinh.

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Người Việt bị ngộ độc Toán và Thơ?

http://www.viet-studies.info/NgoDocToan&Tho.htm

Đặt vấn đề: Cả dân tộc đã bị ngộ độc Toán và Thơ?

Với bài này, tôi muốn đặt một câu hỏi cho cả nền giáo dục văn hóa Việt Nam hiện đại vốn rất/quá chú trọng, thậm chí tôn thờ, hai điều: khả năng làm toán và làm thơ (chứ không phải viết văn và nghiên cứu khoa học hay kinh doanh). Có thể nói, cả dân tộc đã bị ngộ độc Toán và Thơ? Ngộ độc, là bởi vì mê và “giỏi” toán và thơ (tự phong) thế mà vẫn là dân tộc nghèo hèn…

Thơ …thẩn

Thơ thì, có lẽ không dân tộc nào “yêu thơ”, có nhiều “nhà thơ” có thẻ và không có thể hội viên, có nhiều câu lạc bộ thơ, nhiều “tác phẩm thơ” viết ra và in ra… (tính trên đầu người ) như dân Việt ta hiện nay. Trong tủ sách con con của tôi đã có ít nhất hơn chục tập thơ mà các tác giả “nhà thơ” tự in rồi tự tặng tôi (bắt tôi phải “tự” khen họ) gồm: nhạc phụ tôi, ba bậc đàn anh đã về hưu, một bà chị bạn, một cô bạn và một ông em họ xa, và bốn năm ông bạn quen sơ qua người khác trong công việc… Thú thực là có cuốn tôi chưa dám đọc bài nào! Giá mà thu nhập PPP của người Việt được tỷ tệ thuận với sản lượng thơ - ”Thơ Việt PP” (per person – trên đầu người) thì chắc dân ta giầu nhất thế giới?!

Toán…như khùng

Toán thì, không ai ngây ngất lên đồng tập thể với cái giải Fields cỏn con trị giá 10.000 USD của “thần đồng”, “thần tượng”, “thần-thánh toán” Ngô Bảo Châu như dân Việt ta gần đây thôi, làm tôi…ngán ngẩm. Rồi vì có giải Fields mà ông thủ ta bỏ ra trên 400 tỷ đồng mở Viện toán cao cấp nữa chứ (ông này nhất định rất kém toán)! Miếng mồi 10k USD NBC đã câu được con cá sộp (những 20 triệu USD thật) là Viện Toán “Cao cấp”, mà cả “cá” và “mồi” đều làm dân ta ngất ngây như bị tâm thần… Tình yêu toán đã bị ai đó lợi dụng phản lại các “nhà toán học” rồi, Việt Nam ơi!
Câu hỏi của tôi là: phải chăng Thơ và Toán (sự mê Thơ và sự mê Toán một cách ấu trĩ đến tâm thần và như bị thần kinh toàn xã hội) đã góp phần làm chúng ta (cả xã hội XHCN của ta) đã bị lên đồng tập thể liên miên mấy thế hệ nay, là những công cụ tự sướng, tạo nên những con người yếu đuối, xa thực tế, mơ hồ trên mây, bất thực tài và vô dụng? Bởi vì, cả toán và thơ, suy cho cùng, tuy không thể thiếu, đều rất ít tác dụng trong cuộc sống của dân ta hôm nay, chỉ làm dân tộc ta, đất nước ta khó có thể, thậm chí không thể thành công, vì đã mất quá nhiều thời gian và nhiệt huyết vào hai thứ đó?
Phải chăng mê thơ và toán quá đã là đặc điểm của các nước nghèo, các dân tộc không thành công? Ở ta hiện nay, Toán và Thơ sau nửa thế kỷ 20 được đam mê như khùng điên, đã phản tác dụng? Xã hội ta đang bị ngộ độc toán và thơ?
Tôi nhắc lại: tôi không đặt câu hỏi như thế với với văn và viết văn. Văn học, theo tôi, chúng ta lại quá kém và không đủ kiên trì, nghiêm túc, đam mê, chúng ta quá hời hợt (nói chung), chúng ta chỉ lợi dụng và lạm dụng văn cho chính trị, nên chúng ta lại càng … tắc, và văn học thì chết yểu.
Tại sao tôi nhận ra việc chú trọng Thơ và Toán quá là có vấn đề trầm trọng. Mở rộng ra, tại sao nước ta lại mê thơ và toán quá đà thế này? Làm sao để thoát mà không bỏ “nàng” Thơ và “chàng” Toán, để thành công, để thịnh vượng đây? Hay là dân tộc ta thà nghèo và thất bại nhưng cứ chỉ học giỏi toán và có nhiều nhà thơ nhất thế giới là hạnh phúc nhất thế giới rồi?

Cả nền giáo dục và toàn xã hội chỉ chú trọng mỗi Toán và Thơ

Từ 1945 đến nay dân Việt Nam ta đã phải sống trong chế độ cộng sản với chiến tranh và “đấu tranh cách mạng” nội bộ liên miên làm cuộc sống luôn vô cùng nghèo đói, thiếu thốn khó khăn, có khi như quay trở lại thời ăn hang ở hốc. Nhưng “mặt trận” chiến tranh và đấu tranh cách mạng được chú trọng bậc nhất của cộng sản là tẩy não nhân dân bằng tuyên truyền và giáo dục. Và một công cụ phổ biến hiệu quả mà cộng sản sử dụng là thơ. Bắt đầu từ các bài thơ chả ra thơ của “cha già dân tộc” (không kể tập Nhật ký trong tù “cha già” là thơ Tầu), rồi đến các bài thơ của các nhà tuyên truyền cộng sản từ Tố Hữu trở xuống… Thơ tuyên truyền giáo dục không cần hay, chỉ cần tải được “tinh thần và nhiệm vụ cách mạng” thật nhiều là sẽ được tâng lên mây xanh và các nhà “thơ” thì được trọng vọng… Thế là cả xã hội bị ép và rồi thi nhau làm thơ, đọc thơ, chép thơ, truyền thơ…, âu cũng là một cách để quên cái thực tại vô cùng khốn khó và che đậy sự khốn nạn của xã hội, của con người với nhau… Thơ “lên ngôi” – tức là bị chính trị hóa và trở thành công cụ chính trị của đảng, cho đến tận hôm nay vẫn thế.

Văn và các môn xã hội bị đè bẹp, bóp méo (chính trị hóa)

Đồng thời với việc thơ lên ngôi là văn bị đè bẹp và bị bóp méo – bị chính trị hóa - hoàn toàn. Tại sao thế, vì văn chính là tinh hoa của các môn khoa học xã hội. Biết viết văn là người ta biết suy luận, biết lập luận và có tư duy logic, độc lập, sáng tạo, có quan điểm riêng. Điều này vô cùng nguy hiểm cho chế độ cộng sản trong đó đảng nghĩ thay, tư duy thay, sáng tạo thay tất cả mọi người rồi. Cá nhân chỉ có việc ca ngợi đảng (bằng thơ văn), nghe theo và làm theo, không cần suy nghĩ, không được phép suy nghĩ.
Còn toán thì tại sao được “lên ngôi”? Là vì nền giáo dục trong khó nghèo và đói ăn nên chỉ có thể dạy và học “khan” thôi. Tức là chả có tài liệu, dụng cụ, và các điều kiện sơ đẳng để dạy và học các môn khoa học tự nhiên nào khác cho gần đúng yêu cầu, ngoài môn toán. Và cũng phải có môn nào đó để dân ngu học và nghiên cứu thực sự chứ, vì khoa học tự nhiên thì không có điều kiện và thầy bà, khoa học xã hội thì đảng bị “nhạy cảm” run… Thế là đảng hô hào và đun đẩy cho cả xã hội lao đầu vào học toán. Nào là thi học sinh giỏi, nào là các lớp chuyên, nào là thi toán quốc tế… dù đói rách thể nào đảng cũng vẫn tổ chức, vẫn cho tham gia. Lợi cả đôi đường cho đảng: mấy thằng giỏi (dạy và học) toán thì như trên mây nhưng lại rất dễ bảo, cả xã hội để sức vào toán sẽ không có thời gian và đầu óc cho những tư duy độc lập về các lĩnh vực khác, nhất là các vấn đề xã hội.
Nói tóm lại, khuyến khích cả xã hội dù đói nghèo vẫn chú trọng vào làm thơ và học toán có vẻ như là đã làm cho xã hội XHCN “trong sáng và cao đẹp hơn hẳn” (tôi cũng đã từng tin thế), thực chất chỉ là một chính sách ngu dân để dễ trị của đảng cộng sản. Thực tế đó vô cùng nguy hiểm, vì không ai gọi tên nó ra.

Tôi cũng từng vô cùng yêu toán và thơ

Là một sản phẩm “khá hoàn hảo” của chế độ, tôi cũng từng rất chú trọng và rất khá cả hai trò làm toán và làm thơ. Sau này các con tôi hỏi: “Hồi còn nhỏ bố học thế nào?”, tôi bao giờ cũng nói: “Bố học giỏi toán và làm thơ hay, nhưng bố chỉ nhớ hai cảm giác: sợ và đói... Sợ bị phê bình, bị kỷ luật, và đói vì luôn …đói”. “Sợ và đói thế thì làm sao bố học được?” - các con tôi thường tra vấn tiếp. “Bố học được và còn học giỏi, là nhờ bố trốn cái đói và nỗi sợ bằng cách vùi đầu vào toán và thơ. Hồi nhỏ, bố thường có thể ngồi làm toán và ngâm thơ cả buổi, một mình…”
Tôi đồ rằng, suốt mấy thế hệ qua trong sự giáo dục và lãnh đạo của đảng, đa số những người yêu toán và yêu thơ, đã đến với toán và thơ là do hoàn cảnh cả xã hội dồn đến thế - “thời thế thế thế thì phải thế”, không phải do có những tài năng bẩm sinh hay có chọn lựa theo đam mê cá nhân - cũng như tôi, chẳng có lựa chọn khác… Chỉ vì toán và thơ là hai cái có thể học tốn ít đầu tư vật chất nhất, dành cho người nghèo khó, và giúp quên cái nghèo khó, chiến tranh, quên sự đời… đó là tất cả những gì đảng cần từ những công dân XHCN. Toán và thơ đã trở thành một loại ma túy để chế độ cộng sản ru ngủ các con chiên ngoan đạo của mình, mà không ai biết.
Ai cũng sống trong nỗi sợ và phải vượt qua những nỗi sợ đó, nên đa số đều phải dùng ma túy toán và/hoặc thơ. Vì thế cả xã hội rất mê thơ và trọng toán, coi việc giỏi hai môn đó là căn bản nhất. Nhưng chúng ta lại gọi người giỏi toán hay thơ là những chàng ngố, chàng khờ mà không tin đúng là như vậy.

Tại sao tôi nhận ra mình bị ngộ độc?

Thời sinh viên du học, những năm đầu tôi học rất chủ quan vì mình khá giỏi toán. Chỉ từ năm thứ ba tôi mới nhận ra mình thua cả các sinh viên tây bình thường khác vì họ có một nền tảng kiến thức xã hội và khoa học kỹ thuật hơn hẳn mình. Tôi như một thằng lùn tưởng mình cao… Cây cà kheo toán và thơ của tôi bắt đầu gẫy.
Đến khi đi làm thì tôi mới nhận ra khả năng viết, nói, thể hiện, tranh luận, bảo vệ quan điểm thực sự của mình quá tệ - không hề giỏi như điểm văn của mình ngày xưa, còn khả năng làm thơ thì …hoàn toàn không dùng được, chỉ làm hỏng thêm khả năng viết và nói (lập luận) mà thôi. Là nhà quản lý, tôi đã tuyển dụng hàng trăm kỹ sư, cử nhân mới ra trường XHCN, và điểm kém nhất của họ luôn là: viết, lập luận, thể hiện và bảo vệ quan điểm riêng…
Tôi cũng quan sát các xã hội khác ngoài Việt Nam (mà tôi có khá nhiều điều kiện trong suốt nhiều năm qua), không ở đâu tôi thấy có sự “đam mê” toán và thơ kiểu người Việt, và đồng thời họ không đói nghèo và thiếu văn hóa như người Việt. Đến nỗi, tôi đã phải nảy ra câu tự hỏi, có sự liên hệ nhân quả nào giữa sự đam mê toán và thơ với sự nghèo đói của người Việt hôm nay?

Vai trò của Toán và Thơ

Điều gì làm nên đẳng cấp văn hóa và khoa học của một con người có học? Đó là khả năng tư duy độc lập và thể hiện, phát triển, bảo vệ quan điểm của mình. Giỏi toán và hay thơ không cho chúng ta khả năng đó – trừ khi chúng ta đi chuyên sâu về toán và làm thơ – số lượng mà xã hội cần rất rất ít.
Toán và thơ chỉ một phần giúp tôi, giúp dân ta vượt qua cuộc sống khốn khó thôi, nó không đủ để giúp người ta giỏi, càng không đủ để giúp ta thành công. Đó chỉ là “hét lên cho khỏi sợ ma” mà thôi.
Làm thơ để giúp ta nhắm mắt lại tưởng tượng và không nhìn thấy thực tại nữa, và vì thế nó giúp ta “chịu được” thực tại, vượt qua thực tại tàn khốc. Làm toán (bậc phổ thông) khiến trí óc ta bận rộn và quên đi cái đói, cái khổ…
Toán và Thơ, như ma túy, có thể giúp con người thoát thực tại, dù khốn khó thế nào, để thăng hoa trong giây lát, để có cảm giác thăng hoa, để biết mình còn sống, để kiểm tra và biết mình còn là người, thế thôi. Nhưng quá đề cao hay lạm dụng Toán và Thơ trên cấp độ quốc gia, dân tộc, thì như nhà nghèo chơi ma túy vậy - ma túy cao cấp thanh nhã nhất, và quốc gia ấy, dân tộc ấy sẽ chỉ sạt nghiệp mà thôi. Trên thế giới này có quốc gia hay dân tộc nào Thịnh vượng nhờ mọi người đều làm Toán và làm Thơ đâu?
Quan sát những người giỏi toán và giỏi thơ của ta - mà chúng ta đã có từ mấy thế hệ chỉ tập trung đào tạo làm toán và làm thơ, nhất là thế hệ 5x-6x chúng tôi, tôi thấy không ai sống được bằng toán và thơ cả. Một số bạn tôi từng đoạt huy chương Olympics Toán đó, bây giờ chỉ là những nhà giáo, công chức nghèo (nếu họ không làm quan cộng sản và tham nhũng). Ngay cả Ngô Bảo Châu nếu ở VN thì cũng không thể nói là đủ sống bằng toán! Thế hệ tôi còn có nhà thơ hàng đầu – “Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa - liệu gã này có đủ sống bằng thơ? Chắc chắn là không. Tôi đồ rằng các nhà thơ Việt cộng chỉ kiếm danh từ thơ, còn kiếm sống là từ văn (nếu giỏi thật) hay từ nghề tuyên truyền văn hóa cho đảng (bồi bút, loa thợ…).
Thế hệ tôi cũng có “nhà thơ” Dương Chí Dũng, với bài thơ “để đời” đọc trước tòa khi nhận án tử hình. Thơ ca thời cộng sản này đã bị méo mó và bốc mùi đến như vậy đấy! Họ chỉ sỉ nhục thơ.
Ngay nay, sống thành công hạnh phúc không phải sống bằng cách quên đi hay chạy trốn thực tại, tự lừa dối mình, như trong thời chiến tranh và nghèo đói nữa, mà là sống thành công hạnh phúc trong thực tại. Vậy vai trò của Toán và Thơ “đại trà” ở đâu trong đó nếu không phải tiếp tục là phương tiện ngu dân mị dân cho đảng?
Chắc chắn, nó không phải như bức tranh chúng ta đang nhìn thấy trong xã hội này về Toán và Thơ, về quan niệm của chúng ta về toán và thơ – như những gì xung quanh Ngô Báo Châu và các hội thơ, CLB thơ, các tác phẩm thơ tự in ngập tràn xã hội “văn hóa chất lượng cao” của chúng ta hôm nay.

Nói gì với thế hệ sau về Toán và Thơ?

Nhìn nhận vai trò của toán và thơ như trên, tôi đã kiên quyết không khuyến khích các con cháu mình và các bạn trẻ nói chung dành quá nhiều ưu tiên, thời gian, công sức cho cả toán và thơ. Tôi không khuyến khích các cháu làm thơ nữa, sợ chúng sẽ mê thơ rồi lạc đường như cha ông. Tôi cũng không ép chúng phải rèn luyện để giỏi toán nữa, vì tôi không muốn chúng …nghèo (cái đích mà hầu như chắc chắn những kẻ giỏi toán, giỏi thơ sẽ đến!). Nhưng tôi rất khuyến khích chúng làm văn, viết luận văn về những vấn đề cụ thể và với/bằng quan điểm riêng cụ thể của chúng… Những gì chúng ta nói ra đẹp nhất, và được nhớ mãi, đó là thơ.
Bản thân, tôi không đọc nhiều thơ nữa, rất ghét các “hội thơ”. Và tôi càng không quan tâm đến các vấn đề của toán học nữa. Tôi chẳng biết mấy bổ đề NBC giải được nó hay nó đẹp thế nào. Nếu là ngày xưa, chắc tôi sẽ phải mầy mò “cho biết” về các bổ đề Landan gì đó nhiều lắm…
Đó là những gì tôi có thể làm và đã làm, với toán và thơ, trong khoảng 20 năm nay. Không bị áp lực hay ảnh hưởng từ bố mẹ, các con tôi đều học giỏi theo cách mà chúng hạnh phúc thoải mái nhất.
Nếu các con tôi lại hỏi về Toán và Thơ, tôi sẽ vẫn nói lại: chúng rất quan trọng, không thể thiếu, hãy nắm vững chúng (hãy học giỏi), nhưng đừng quá đề cao chúng, càng không nên tôn thờ chúng, chúng chỉ là công cụ, không nên là mục đích (trừ khi con là NBC hay TĐK).

Còn rất nhiều việc khác và tuyệt vời hơn là làm Toán và Thơ

Quá yêu toán và thơ như rất nhiều người Việt hiện nay (như một quán tính vô thức từ quá khứ), là như chúng ta đang xài thuốc phiện hay ma túy để tự sướng vậy, điều đó sẽ chỉ làm bạn đói và lơ mơ trong cuộc sống mà thôi! Tất nhiên điều đó là rất không có lợi gì cho bạn. Nhưng điều đó phải có lợi cho ai đó thì nó – phong trào yêu toán và thơ điên cuồng ấy – mới “ngày càng phát triển” chứ?
Ai có lợi khi cả dân tộc cứ mãi “tự phê”, “tự sướng” bằng toán và thơ, tức là bằng ma túy trong đầu, bằng không khí? Hỏi đã là trả lời rồi.
Hãy tư duy, có quan điểm của mình, thể hiện ra, và bảo vệ nó, cho đến khi bạn thuyết phục được người khác hay bị người khác thuyết phục! Đó chính là điều tuyệt vời hơn “mê làm Toán và Thơ” kiểu đa số người Việt hôm nay, vì như thế là chúng ta luôn cùng phát triển. Chỉ như vậy chúng ta mới không là nạn nhân của, hay tiếp tay cho, chế độ cộng sản luôn ngu dân và mị dân này.
Phan Châu Thành

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Nguy hiểm nếu dùng PISA đo chất lượng

Sẽ rất nguy hiểm nếu các nhà làm chính sách căn cứ vào PISA như là một đo lường chính xác cho nền giáo dục

Sau khi công bố kết quả của kỳ thi quốc tế PISA, đã có nhiều tiếng nói lạc quan cất lên, [1] Thậm chí có bài viết: “Giáo dục Việt Nam ưu việt hơn nhiều nước tiên tiến trên thế giới”, “Không cần đầu tư nhiều cho giáo dục vẫn được kết quả cao”.
Xin cung cấp thêm một góc nhìn khoa học xung quanh câu chuyện "PISA" để giúp độc giả hiểu toàn diện hơn.
“Lấy ý kiến ủng hộ cho tổng thống”
PISA (Programme of International Student Assessment) là hệ thống đánh giá giáo dục quốc tế tổ chức bởi OECD. Khu vực Châu Á có hai nước tham gia khối đó là Nhật Bản và Hàn Quốc.[2] Kỳ thi tổ chức ba năm một lần với mục đích đánh giá các nền giáo dục trên thế giới thông qua việc kiểm tra kỹ năng và kiến thức dành cho học sinh tuổi 15.
PISA là nỗ lực từ các thành viên trong cộng đồng OECD đo lường khả năng đối mặt với các thách thức trong đời sống hiện tại. Định hướng của cuộc thi là quan tâm đến việc học sinh có thể làm được gì với những vấn đề học ở trường, hơn là các em có học được hay không.[3]
Về xuất xứ, vào cuối thế kỷ 20, cùng với các nỗ lực đo lường giáo dục quốc tế khác như TIMSS[4] do IEA (Institute of Educational Assessment) tổ chức bắt đầu từ năm 1959, thì OECD tiến hành dự án PISA.
Dự án chú trọng vào việc cung cấp các thông tin về văn hoá, kinh tế, và chính sách liên quan đến giáo dục của các nước trên thế giới.
So với các kỳ thi quốc tế khác, PISA tập trung vào khả năng (literacy) toán học, khoa học, và đọc hiểu hơn là kỹ năng và kiến thức học được trong nhà trường (như TIMSS). PISA lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 gồm 32 nước.
Từ năm 2003, có hơn 45 nước tham gia trong kỳ thi này (hơn 1/3 dân số thế giới). Lần tổ chức gần nhất diễn ra vào năm 2012 bao gồm 65 nước, chiếm khoảng 80% dân số thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham gia. Trong các kỳ tổ chức của PISA, nội dung bao gồm hai phần: Phần kiểm tra khả năng của học sinh và thống kê những vấn đề liên quan đến giáo dục và nhà trường (background). Thời gian cho mỗi môn thi khoảng 2 giờ.

học sinh, PISA, giáo dục

Hình thức của đề thi bao gồm một số lượng cân bằng câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, câu hỏi điền vào chỗ trống ngắn, và câu hỏi tự luận với nhiều bước giải quyết. Phần lớn các câu hỏi đều được đặt trong một ngữ cảnh thực tế cụ thể.  Sau đây là một ví dụ để minh hoạ đặc trưng về ngữ cảnh của các câu hỏi trong PISA:
LẤY Ý KIẾN ỦNG HỘ CHO TỔNG THỐNG[5]
Tại nước Zedland, ý kiến về bầu cử được thực hiện để tim kiếm mức độ ủng hộ tổng thống cho cuộc bầu cử sắp được tiến hành. Bốn tạp chí tiến hành bốn cuộc trưng cầu độc lập ở mức độ quốc gia. Kết quả từ bốn tạp chí như sau:
Tạp chí 01: 36.5% (trưng cầu tiến hành ngày 6 tháng 1, với mẫu là 500 công dân được quyền bầu cử và được lựa chọn ngẫu nhiên)
Tạp chí 02: 41.0% (trưng cầu tiến hành ngày 20 tháng 1, với mẫu là 500 công dân được quyền bầu cử và được lựa chọn ngẫu nhiên)
Tạp chí 03: 39.0% (trưng cầu tiến hành ngày 20 tháng 1, với mẫu là 1000 công dân được quyền bầu cử và được lựa chọn ngẫu nhiên)
Tạp chí 04: 44.5% (trưng cầu tiến hành ngày 20 tháng 1, với mẫu là 1000 độc giả thông qua điện thoại)
Kết quả nào là gần nhất trong việc dự đoán mức độ ủng hộ Tổng thống nếu cuộc bầu cử được tiến hành vào ngày 25 tháng 01? Giải thích ý kiến của bạn.
Xin lưu ý rằng khung nội dung (framework) của PISA không dựa vào chương trình dạy học (curiculum-based) như TIMSS, mà tập trung vào chức năng của môn học (functional). OECD cho rằng kết quả này phản ánh mô hình học tập lâu dài, trong đó những kiến thức và kỹ năng mới cần thiết để thay đổi thế giới được liên tục thu nhận trong suốt cuộc đời.
Khó thiết lập sự tương đương giữa các nền giáo dục
PISA cung cấp một chỉ số đo lường về tính chất ứng dụng của các môn học trong nhà trường. Kỳ thi còn chỉ ra vị trí tương đối của các nền giáo dục thông qua một con số đặc trưng cho vài môn học (toán học, khoa học, và đọc hiểu). Hơn nữa PISA cung cấp một chỉ số đo lường năng lực của học sinh ở tuổi 15 như một dự đoán về nền kinh tế của nước đó.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng mức độ khó của các câu hỏi trong PISA nói chung là cao nhất trong các đề quốc tế vì: (a) Hầu hết các câu hỏi đặt trong ngữ cảnh thực tế. (b) Số các câu hỏi ở dạng mở nhiều. (c) Các câu hỏi cần nhiều bước về lập luận. (d) Để giải quyết các câu hỏi cần nhiều phép tính toán và phần lớn không thể hiện sẵn trong câu hỏi [6].
Mặc dù những kỳ thi quốc tế luôn thu hút sự quan tâm của công chúng và cộng đồng những người làm nghiên cứu giáo dục, các chuyên gia giáo dục trên thế giới nhận định rằng các kỳ thi này không cung cấp một bức tranh rõ ràng và chính xác về mối quan hệ giữa các giai đoạn khác nhau của chương trình dạy học bao gồm chương trình dự kiến (chẳng hạn, chuẩn kiến thức, kỹ năng, sách giáo khoa), chương trình đang thực hiện (việc dạy và học quan sát được trong lớp học) và kết quả thi cử. Hơn nữa, rất khó để thiết lập sự tương đương của các nền giáo dục bởi vì sự khác biệt trong văn hoá, và tổ chức[7].
Một vấn đề khác các chuyên gia lo ngại là nhiều nước sẽ dùng những câu hỏi trong PISA xem chúng như là những kiến thức cực kỳ quan trọng để dạy học trong nhà trường, với mục đích duy nhất giúp học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tiếp theo. Hơn nữa, sẽ rất nguy hiểm nếu các nhà làm chính sách căn cứ vào PISA như là một đo lường chính xác cho nền giáo dục[8].
Thật ra, PISA chỉ đo lường một mặt của nền giáo dục, khả năng mà thôi. Việc so sánh giữa các hệ thống giáo dục rất khó bởi vì một ngữ cảnh có thể quen thuộc với một nền văn hoá này có thể xa lạ đối với nền văn hoá khác. Những kỹ năng cơ bản để đối mặt với các vấn đề trong xã hội của các nước có thể khác nhau, nên nó không thể là chuẩn mực chung cho nhiều nền kinh tế trên thế giới.
(còn nữa)
  • Trần Dũng (Tiến sĩ giáo dục Toán- Viện Nghiên Cứu Đổi Mới Giáo Dục Friday (Friday Institute of Educational Innovation- Đại học North Carolina State, USA)
[1] Phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giáo dục
http://m.vietnamnet.vn/vn/giao-duc/152189/bo-giao-duc-bat-ngo-voi-ket-qua-xep-hang-hoc-sinh.html
[2] http://www.oecd.org/about/membersandpartners/
[3] de Lange, J., (2007). Large-scale assessment and mathematics education. In F. K. Lester (Ed). Second handbook of research on mathematics teaching and learning. Charlotte, NC, USA: National Council of Teachers of Mathematics, pp. 1111-1143.
[4] http://nces.ed.gov/timss/
[5] Câu hỏi được công bố từ PISA 2006
[6] de Lange (2007)
[7] Dossey, J. A. (2003). Large-scale assessments: National and International. In G. M. A. Stanic & J. Kalpatrick. A history of school mathematics, pp. 1435-1490. Reston, VA, USA: The National Council of Teachers of Mathematics.

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Cách người Mỹ dạy học sinh tiểu học

Động lực đằng sau một cường quốc kinh tế là gì? Rốt cục họ đã có một nền giáo dục như thế nào? Sau đây là bài viết của một tác giả người Trung Quốc về nền giáo dục tiểu học Mỹ cộng với các câu chuyện để bạn đọc tiện so sánh hai nền giáo dục Mỹ – Trung Quốc.

Mục tiêu giáo dục tiểu học Mỹ

Cho dù là người Hoa ở Mỹ, bạn cũng khó hiểu rõ được đâu là trình độ tri thức mà học sinh tiểu học ở Mỹ phải đạt đến, sau đây chỉ là một tiêu chuẩn sơ lược để tham khảo.

1. Tốt nghiệp mẫu giáo

Có thể nhận biết và phân biệt con số, có thể biểu đạt khái niệm toán học trừu tượng bằng những vật thể cụ thể như hòn sỏi, mẩu giấy, cái que…; nhận biết 26 chữ cái tiếng Anh, phân biệt nguyên âm và phụ âm; phân biệt được các ngành nghề khác nhau đại ý làm những gì, ví dụ như bác sĩ, giáo viên, người đưa thư, cảnh sát, cảnh sát phòng cháy chữa cháy… hiểu được quá trình diễn biến của cuộc đời sinh vật, bao gồm sinh, lão, bệnh, tử của con người, sâu biến thành bướm,…; học địa lý từ địa cầu, bản đồ; hiểu được rằng trên trái đất có rất nhiều cư dân, rất nhiều quốc gia và những màu da khác nhau, hiểu được rằng người cần ở trong nhà, trẻ em cần đến trường, người trưởng thành cần đi làm…

2. Lớp 1

Có thể đếm từ 1 đến 100, có thể đếm số có hai chữ số hoặc thế nào là bội số của 5, biết số lẻ và số chẵn, biết phép cộng trừ đơn giản; học cách quan sát, chia ngành phân loại đối với những sự vật và vật phẩm khác nhau; có thể lấy dẫn chứng về quá trình diễn biến của sự sống, hiểu được quan hệ sống tương trợ giữa động thực vật trong thiên nhiên; học sử dụng tranh ảnh để biểu đạt ý; hiểu tính tất yếu của việc mặc, ăn, ở và mái ấm gia đình; hiểu rõ quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa những người làng xóm.

3. Lớp 2

Biết đọc, viết số có ba chữ số, từ năm số tùy ý chọn, có thể đếm xuôi hoặc đếm ngược; vận dụng thành thạo phép cộng trừ đối với số có hai chữ số, biết dùng những đơn vị đo lường như inch (tấc Anh) hoặc centimet để đo độ dài, biết xem đồng hồ; đọc sách, duy trì đều đặn việc viết (nhận xét, bình luận) sau khi đọc sách, học cách viết tổng kết, hiểu và phân biệt được những hình thức văn học khác nhau như: thơ, tản văn, tiểu thuyết, truyện ký…, biết được sự khác nhau giữa tác phẩm hư cấu và tác phẩm phi hư cấu; bắt đầu học nghiên cứu độc lập về động vật, ví dụ như vấn đề sinh thái của côn trùng…

4. Lớp 3

Học được cách biến tư liệu thành biểu đồ; biết so sánh sự lớn nhỏ và cộng trừ trong phạm vi 100.000, thành thạo phép cộng, trừ, nhân, chia đối với số có ba chữ số; có thể lấy những tài liệu tại chỗ trong môi trường xung quanh, sưu tập, tổ chức tài liệu, hiểu được cách giữ gìn sức khỏe của con người, hiểu rõ quá trình diễn biến cuộc đời của những động vật nhỏ như: ếch, bướm, gà con, chuột bạch…; hiểu cách sử dụng tự điển; có thể hiểu tư tưởng của những tác phẩm và các nhà văn, họa sĩ mình yêu thích biểu đạt, hiểu được các tác phẩm văn học trong các bối cảnh văn hóa khác nhau.

5. Lớp 4

Dùng máy tính để tính toán những con số rất lớn, so sánh lớn nhỏ trong phạm vi 1.000.000, học số thập phân và phân số, vẽ biểu đồ; có thể giải thích sự khác nhau của khí hậu giữa các vùng đất trên thế giới nhờ bản đồ, hình ảnh, biểu đồ; thông qua việc đọc, hiểu thêm một bước về những thể loại văn học khác nhau, ví dụ như tác phẩm khoa học viễn tưởng, truyện ký,…

6. Lớp 5

Biết điền, đọc các loại bảng biểu, thành thạo các phép tính cộng, trừ, nhân, chia phân số; có thể vận dụng hệ thống thư viện và các tư liệu để tiến hành nghiên cứu; tiến hành so sánh và tổng hợp các loại tin tức thông qua việc viết bút ký; bắt đầu tự viết những bài văn dạng tả thật (phi hư cấu) và những đoản văn theo thể thức năm đoạn; học được cách viết chính thức, không chính thức và cách viết thư cho bạn bè; hiểu việc chia ngành phân loại những sách báo khác nhau, có thể nắm được nội dung chủ yếu của một cuốn sách, đồng thời tiến hành bình luận về cấu tứ, bối cảnh, cách xây dựng nhân vật, phương thức biểu đạt, nghệ thuật ngôn ngữ.

Giá trị cơ bản của văn hóa Mỹ

Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ có cảm giác rằng, một học sinh học lớp 5, chuẩn bị tốt nghiệp tiểu học mà yêu cầu về năng lực toán học chỉ là biết cộng, trừ, nhân, chia, thì trình độ… thấp quá.

Một cô giáo mẫu giáo về hưu thấy học sinh tiểu học Mỹ suốt ngày “chỉ biết chơi” thì không khỏi ngạc nhiên và lo lắng cho cậu cháu Hoa kiều ở Mỹ của mình. Bà nói với mẹ của cậu bé: Nếu là ở Trung Quốc, áp lực của học sinh chuẩn bị tốt nghiệp tiểu học rất lớn, cả ngày phải cắm đầu vào làm bài tập… Nhưng cháu tôi thì sao? Mỗi ngày tan học về là đi đá bóng, chơi bóng bầu dục cùng lũ trẻ… thời gian cho việc làm bài, tập đàn ít như thế, làm mẹ thì phải chú ý!

Người mẹ nói, thành tích của cháu ở trường hầu như là điểm A, trừ đôi khi ngẫu nhiên sai sót, nhiều lần cháu đem về toàn điểm 100. Đối với học sinh tiểu học ở Mỹ thì như vậy là đủ rồi. Giáo dục tiểu học không phải là giáo dục tinh anh, cần tạo điều kiện phát triển toàn diện cho trẻ, chú trọng việc kết bạn, vận động và những hoạt động ngoại khóa.

Đương nhiên, người bà của cậu bé vẫn không bằng lòng, bà nói bài giảng của Mỹ quá nhẹ nhàng, bài tập quá đơn giản, thì chắc thi cử cũng rất dễ dàng. Bà nhấn mạnh, người Trung Quốc chúng tôi coi trọng các nền tảng cơ sở vững chắc. Kỳ thực, người Mỹ cũng coi trọng việc xây dựng nền tảng.

Chỉ có điều cái gọi là “cơ sở” của người Trung Quốc và người Mỹ khác nhau. Người Mỹ coi trọng nền tảng làm người, quan niệm này đã được bồi đắp từ nhỏ. Cơ sở mà học sinh ở Mỹ cần tạo dựng là ý thức tự tin, thành thực, lương thiện, công bằng, bao dung và độc lập tự chủ để làm người, cũng có nghĩa là, ngay từ nhỏ, họ đã học được giá trị cơ bản của văn hóa Mỹ, chứ không phải là tri thức để phục vụ giá trị cơ bản này.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là có rất nhiều người Trung Quốc suy nghĩ như người bà kể trên, coi giáo dục trung tiểu học ở Mỹ là “hỏng bét”, mà nhiều nhất trong số đó không ai khác chính là những giáo viên trung tiểu học ở Trung Quốc. Cái mà họ đắc ý là những học sinh đứng đầu trong danh sách đoạt giải thưởng toán quốc tế hàng năm luôn là những học sinh Trung Quốc, giáo dục trung tiểu học ở Mỹ không thể so sánh được với Trung Quốc. Có lần, trên một tờ báo Trung văn ở Mỹ còn có một bài viết mang tên: “So về toán học, Mỹ chỉ có thể được coi là nước đang phát triển”.

Trong một cuộc họp của người Hoa, các bậc cha mẹ nhớ lại những câu chuyện thời trẻ của mình, một nữ sĩ đã thẳng thắn nói, tiêu chuẩn chọn chồng khi đó dường như đều phải là “học giỏi”, cũng có nghĩa là “thành tích tốt”, ngoại hình, tính tình, tu dưỡng đều là thứ yếu. Trong mắt của các nữ sinh chỉ có những người đứng đầu lớp mới là tốt, người đứng đầu toàn năm lại càng tốt.

Nhưng giờ đây, thế hệ sau của chúng ta thì sao? Nếu như bạn hỏi ai là bạn nam có thành tích học tập tốt nhất trong lớp thì con gái bạn ắt trở nên lúng túng, nhưng nếu hỏi, bạn nam nào giỏi thể thao nhất trường, thì con bạn sẽ rõ như lòng bàn tay vậy. Nếu bạn tâng bốc một cô gái xinh đẹp nào đó, bảo rằng cô sẽ lấy được một trạng nguyên, thì cô gái sẽ cho rằng không xứng đáng, thậm chí còn cảm thấy thua thiệt, “Cái gì, ai thèm cái đồ mọt sách đó?”

Những người học giỏi nhất (nếu chỉ biết học tập, không có sở thích, sở trường nào khác) thường bị bạn bè cô lập. Để tránh mất đi tình bạn, để được biết đến nhiều hơn, được hoan nghênh nhiều hơn, không ít học sinh xuất sắc đã từ chối học các lớp chất lượng cao (lớp vinh dự), sợ mất đi những người bạn cũ từ lớp phổ thông, thậm chí có một số học sinh còn cố tình làm bài sai trong kỳ thi để hòa đồng với bạn bè. Trong mắt của bọn trẻ, bạn bè, tình bạn, niềm vui quan trọng hơn thành tích rất nhiều.

“Độ khó” trong bài tập của học sinh tiểu học Mỹ

Một người cha Trung Quốc đưa cậu con trai chín tuổi tới Mỹ, cho con vào học một ngôi trường ở Mỹ thì trong lòng lo lắng vô cùng, không hiểu đó là trường học kiểu gì! Trong lớp học sinh tự do tùy ý thảo luận, có thể cười ầm ĩ; giáo viên và học sinh thường xuyên cùng ngồi bệt trên mặt đất không phân biệt lớn bé; vào giờ học mà cứ như đang chơi trò chơi; Ba giờ chiều đã là tan học; lại không có sách giáo khoa thống nhất.

Ông đem cho giáo viên xem bài học tiểu học lớp 4 mà con ông đã học ở Trung Quốc, giáo viên nói với ông, cho tới lớp 6, con trai ông không phải học thêm môn toán nữa. Lúc đó, ông bắt đầu hối hận vì đem con đến Mỹ mà làm lỡ việc học của con. Ở Trung Quốc, cặp sách của học sinh nặng trịch những tri thức, còn nhìn con mình bây giờ, mỗi ngày mang cái cặp nhẹ tênh đến trường, đi học như đi chơi. Một học kỳ nháy mắt đã hết, ông không khỏi nghĩ ngợi, hỏi con, ấn tượng sâu sắc nhất khi đến Mỹ học là gì? Cậu bé đáp: “Tự do”.

Lại một bận, cứ tan học, đứa trẻ lại chạy tới thư viện rồi mang một lô sách về nhà, thế mà chưa tới hai ngày đã trả. Ông lại hỏi, mượn sách nhiều như thế để làm gì? Con trai đáp: “Làm bài tập”. Sau đó, ông nhìn thấy tên bài tập mà cậu bé đang làm trên máy vi tính “Hôm qua và hôm nay của Trung Quốc”, ông kinh ngạc suýt ngã, đây là chủ đề môn học gì vậy? Thử hỏi vị nào đang làm tiến sĩ dám “ôm” đề tài lớn như thế?

Ông chất vấn con trai, đây là chủ ý của ai, cậu bé hồn nhiên đáp: “Thầy giáo nói, Mỹ là một nước di dân, mỗi học sinh đều cần viết một bài về đất nước mà tổ tiên mình đã sinh sống, còn phải phân tích sự khác biệt so với nước Mỹ dựa trên địa lý, lịch sử, nhân văn, đồng thời phải đưa ra quan điểm và cách nhìn của mình”. Người cha im lặng.

Mấy ngày sau, ông thấy bài tập của con trai đã xong, một tập gồm hơn 20 trang giấy, từ Hoàng Hà chín khúc đến văn tự tượng hình; từ con đường tơ lụa tới lá cờ ngũ tinh… Cả bài văn được viết với một khí thế hào hùng, có lý lẽ, có căn cứ, phân chương phân tiết, đặc biệt là một danh sách thư mục tham khảo ở phần cuối khiến người cha không khỏi bàng hoàng, cái cách thức của một luận văn tiến sĩ này, ngoài ba mươi tuổi ông mới học được.

Đến khi sắp kết thúc học kỳ lớp 6 của con, ông lại được một phen cứng lưỡi, giáo viên đưa ra một loạt câu hỏi liên quan đến “Chiến tranh thế giới thứ hai”, nghe như một kỳ huấn luyện trước khi ứng cử của một thượng nghị sĩ tương lai:

“Bạn cho rằng ai nên chịu trách nhiệm đối với cuộc chiến tranh này?”

“Theo bạn, nguyên nhân thất bại của đảng Nazi (Đức) là gì?”

“Nếu bạn là cố vấn cao cấp của tổng thống Truman1, bạn sẽ tỏ thái độ gì đối với việc Mỹ ném bom nguyên tử?”

“Bạn có cho rằng, biện pháp tốt nhất để kết thúc chiến tranh khi đó chỉ là ném bom nguyên tử?”

“Theo bạn, cách tốt nhất đế tránh chiến tranh ngày nay là gì?”

Lịch sử nước Mỹ mới chỉ có vỏn vẹn 200 năm, nhưng đã đủ sức mở cánh cửa trí tuệ của các em học sinh.

Sự khác biệt giữa công nhân và ông chủ

Người cha này vẫn nhớ rằng khi con trai ông tốt nghiệp tiểu học, cậu bé đã có thể sử dụng thành thạo hệ thống máy vi tính và vi phim của thư viện để tra cứu tư liệu và hình ảnh. Có lần, hai bố con tranh luận về tập tính săn mồi của sư tử và báo, ngày hôm sau, cậu con trai mượn từ thư viện tập phim về động vật của Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ, hai cha con vừa xem vừa thảo luận. Học sinh tiểu học của Mỹ lúc này đã học được phương pháp tìm đáp án ở đâu mỗi khi có nghi vấn. Ngoài thư viện, học sinh trung tiểu học ở Mỹ cũng tìm tài liệu trên các trang web liên quan khi làm bài tập và một số báo cáo nghiên cứu.

Lưu học sinh Trung Quốc tới Mỹ làm tiến sĩ, từ lúc vào học tới lúc tốt nghiệp, giành được học vị tiến sĩ cần năm năm. Trong viện nghiên cứu sinh, rất nhiều người có cảm giác rằng người Mỹ thường không phải là đối thủ của lưu học sinh Trung Quốc trong chuyện thi lấy học bổng, nhưng cứ đụng tới lĩnh vực thực tiễn, làm một vài vấn đề có tính nghiên cứu, thì người Trung Quốc không thể linh hoạt được bằng người Mỹ, không có tính sáng tạo dồi dào như họ.

Tới khi cầm được bằng tiến sĩ để đi tìm việc, viết sơ yếu lý lịch, họ lại lạc hậu một bước lớn, không biết tự quảng bá cho bản thân mình. Không thể “viết về bản thân mình” không phải vì họ không biết, mà là vì không có đủ bản lĩnh để thể hiện cái “tôi” của mình.

Đương nhiên, điều này có liên quan tới sự bất đồng giữa giáo dục và toàn bộ hệ thống giáo dục cơ sở. Người Trung Quốc chỉ quen phát huy bản lĩnh trong một khung quy định nào đó, một khi không còn quy định, mất đi sự chỉ đạo, không nhìn thấy hệ thống quy chiếu vốn có nữa, thì với người Mỹ là giành được tự do, còn với người Trung Quốc, có lẽ chỉ còn lại cảm giác mất phương hướng, khủng hoảng, trống rỗng, không biết dựa vào đâu.

Khi đã công tác được năm năm, mười năm, thực tế ấy lại càng rõ ràng hơn. Người Trung Quốc thường chỉ có thể làm kỹ thuật, cùng lắm là lên quản lý một bộ phận kỹ thuật nào đó, dường như không mấy ai làm được giám đốc công ty lớn. Người Trung Quốc không phục những ông chủ không giỏi về kỹ thuật và thường băn khoăn: bản lĩnh của họ rốt cục nằm ở đâu?

Bản lĩnh đó là: hiểu được sở trường của từng thành viên trong công ty, giúp họ phát huy tận lực sở trường của mình, nhân viên và công ty cùng hợp tác, nâng cao giá trị của công ty mình trong mắt nhà đầu tư và khách hàng, không ngừng thu hút thêm vốn đầu tư và tăng thêm đầu ra cho sản phẩm… Hiển nhiên, đây là tác phẩm của một ông chủ, chứ không phải của một công nhân.

Sưu tầm.

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Nghề làm toán ở Mỹ


Theo Bộ Lao Động Mỹ: http://www.bls.gov/ oco/ocos043.htm (Occupational Outlook Handbook, 2008-09 Edition), và theo báo cáo Mathematics In Industry của SIAM (Hội Toán học Ứng dụng Mỹ): Năm 2006 ở Mỹ có 3.033 người được tuyển việc với danh nghĩa nhà toán học (mathematician), kể cả lý thuyết lẫn ứng dụng). Trong đó có 412 người được nhận việc academic (các trường đại học cao đẳng), 1.302 người vào làm cho các cơ quan Chính phủ (như Bộ Quốc Phòng, NASA…), và 1.155 người làm cho “doanh nghiệp” (công nghiệp, tài chính…). Trong số 1.155 người này, có 748 người làm các công việc nghiên cứu và phát triển, 277 người làm tư vấn quản trị và kỹ thuật, và 112 người làm trong các dịch vụ kiến trúc và kỹ sư. Lương trung bình (median) của các nhà toán học ở Mỹ năm 2006 là quãng 87 nghìn USD, trong đó có 10% số người có lương cao hơn 132.000, và 10% số người có lương thấp hơn 43.500.
Về môi trường làm việc, các nhà toán học thường có phòng làm việc khá tiện nghi và thoải mái. Nhiều nhà toán học ứng dụng làm việc trong các nhóm nghiên cứu, trong đó có những người là chuyên gia các lĩnh vực khác. Các nhà toán học làm việc trong academia (đại học và viện nghiên cứu) thường có trách nhiệm giảng dạy đi kèm với trách nhiệm nghiên cứu, và có thể có các trợ lý là nghiên cứu sinh và thực tập sinh. Đi công tác xa khá thường xuyên (dự hội nghị, hội thảo, hợp tác khoa học, …) là một đặc điểm hay thấy ở các nhà toán học.
Thông thường để nhận được một công việc với danh nghĩa nhà toán học, điều kiện không thể thiếu là phải có bằng PhD về toán. Vào năm 2007, có khoảng 300 chương trình sau đại học (graduate) về toán tại Mỹ.
Hầu hết các trường đại học (university) và cao đẳng (college) ở Mỹ có chương trình đại học (Bachelor) về toán. Các môn không thể thiếu được trong chương trình là giải tích (calculus), đại số (linear and abstract algebra), và phương trình vi phân (differential equations). Ngoài ra có thể có thêm nhiều môn khác, như logic, giải tích nhiều biến, giải tích phức, tô pô, giải tích số, toán rời rạc, xác suất thống kê, v.v. Các trường thường khuyến khích học sinh ngành toán học lấy bằng kép (double major): Toán và một chuyên ngành khác (như máy tính, kỹ sư, kinh tế, sinh vật, v.v.). Bằng kép như vậy thuận lợi cho xin việc và cho công việc về sau. Những người có bằng Đại học (Bachelor) hoặc Cao học (Master) về toán có thể làm những nghề liên quan đến toán, ví dụ như lập trình viên, phân tích viên, giáo viên dạy toán, v.v. Chỉ riêng nghề dạy toán cho các trường postsecondary (trung cấp ?) năm 2006 ở Mỹ đã tuyển đến 54 nghìn người.
Các năng lực, kỹ năng cần thiết của chuyên gia toán:
- Giải quyết vấn đề
 Kỹ năng thiết lập cơ sở lý thuyết, mô hình hóa, và giải quyết vấn đề trong các lĩnh vực đa dạng và luôn biến đổi
- Năng động
Có ý thức quan tâm và có kiến thức cũng như khả năng điều chỉnh thích nghi với nhiều lĩnh vực ứng dụng
- Tính toán
Có kiến thức và kinh nghiệm Tính toán
- Giao tiếp
Có các kỹ năng giao tiếp, cả nói và viết
- Teamwork
Giỏi hợp tác với các cộng sự (”teamwork“)
Theo báo cáo Mathematics In Industry của SIAM, thì các kỹ năng sau được đánh giá là quan trọng nhất đối với các nhà toán học làm việc trong môi trường nonacademic (tức là trên 85% các nhà toán học ở Mỹ):
Tất nhiên, đấy cũng là những kỹ năng quan trọng cho cả các nhà toán học làm việc trong môi trường academic.
Kỹ năng tính toán là đặc biệt quan trọng: 93% các nhà toán học trong môi trường nonacademic đánh giá kỹ năng tính toán (computing skills) là không thể thiếu trong công việc của họ. Dưới đây là những chuyên ngành toán được dùng nhiều nhất trong môi trường nonacademic (số % bên phải là số nhà toán học nonacademic dùng đến nó trong công việc):
Chuyên môn                                                          Tỉ lệ
Tạo mô hình và tiến hành giả lập                          73%
Phương pháp/tư duy tính toán                               65%
Thống kê                                                                55%
Xác suất                                                                 50%
Giải tích ứng dụng kỹ thuật/phương trình vi phân  50%
Nghiên cứu/tối ưu hóa các tiến trình                      38%
Toán rời rạc                                                             26%
Báo cáo trên của SIAM đã hơi cũ (từ năm 1998) và từ đó đến nay tình hình có thể đã thay đổi đôi chút, nhưng về cơ bản các kết luận trên vẫn đúng. Ứng dụng vào tình hình Việt Nam: Do Việt Nam đang thụt lùi so với thế giới (ít nhất) mấy chục năm, nên các thông tin phía trên có thể dùng làm định hướng cho phát triển toán Việt Nam trong những năm tới.